Ngày 23 tháng 1 năm 1960, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ kết nghĩa Ninh Bình- Bạc Liêu, phát động phong trào thi đua vì miền Nam ruột thịt. Có khá nhiều công trình của tỉnh Ninh Bình mang tên các địa danh tỉnh Bạc Liêu, trong đó Trường cấp II Gia Khánh là trường điểm của tỉnh được mang tên trường phổ thông cấp II Ninh Bình - Bạc Liêu vào ngày 23 tháng 1 năm 1964.
Trường THCS Ninh Khánh tiền thân là trường cấp II quốc lập đầu tiên của huyện Gia Khánh được thành lập vào tháng 9-1959 tại khu Đình Sen, thôn Đái Nhân, xã Ninh Khánh, huyện Gia Khánh (nay là phường Ninh Khánh-thành phố Ninh Bình). Hơn 50 năm cùng với những thăng trầm của đất nước, trải qua những biến cố của lịch sử, trường có biết bao thay đổi, từng bước thích ứng, từng bước khẳng định, trưởng thành và có nhiều tên gọi khác nhau.
Tháng 9-1959, được tách ra từ trường cấp II thị xã Ninh Bình, trường có tên gọi ban đầu là trường cấp II Gia Khánh. Từ năm 1959-1964, thời kì đầu vừa mới thành lập, thầy và trò cùng gây dựng nền móng giáo dục với biết bao gian khó.
Miền Bắc sau hoà bình lập lại phấn khởi đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng tàn dư của chiến tranh còn để lại khá nặng nề. Năm học đầu tiên (1959-1960), trường còn ở Đình Sen (về sau mới chuyển vào địa điểm trường hiện nay) cơ sở vật chất của nhà trường những ngày đầu vô cùng nghèo nàn, tạm bợ “nhà gianh vách đất”.
Mặc dù vậy, thấm thía lời dạy của Bác “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, muốn diệt được giặc đói và giặc ngoại xâm phải diệt được giặc dốt, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, các thầy, cô giáo cùng với nhân dân địa phương đã khắc phục hoàn cảnh, quyết tâm đưa con em đến trường. Năm học đầu tiên, trường chỉ có 12 thầy, cô giáo với 8 lớp học (gồm 3 lớp 5, 3 lớp 6, 2 lớp 7), tổng số là 241 học sinh ở hầu hết các xã trong huyện.
Ngày 23 tháng 1 năm 1960, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ kết nghĩa Ninh Bình- Bạc Liêu, phát động phong trào thi đua vì miền Nam ruột thịt. Có khá nhiều công trình của tỉnh Ninh Bình mang tên các địa danh tỉnh Bạc Liêu, trong đó Trường cấp II Gia Khánh là trường điểm của tỉnh được mang tên trường phổ thông cấp II Ninh Bình - Bạc Liêu vào ngày 23 tháng 1 năm 1964. Từ việc kết nghĩa này, vào ngày 23 tháng 1 hàng năm (từ 1964 đến 1975) là ngày hội truyền thống của trường.
Những năm 1965-1975, trong khói lửa của chiến tranh khốc liệt, nhà trường phải sơ tán về Núi Sệu-Văn Từ. Thầy và trò cùng lao động đắp luỹ đào hào làm lớp học, học sinh đội mũ rơm tới lớp.
Gian khổ, ác liệt nhưng hào khí của thời đại đã giúp thấy và trò không ngừng vươn lên thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”.
Với tinh thần miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam chống Mĩ, nhiều thầy, cô giáo và học sinh đã tham gia lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc. Thi đua chống Mỹ với đồng bào miền Nam, mọi hoạt động của trường đều hướng về miền Nam ruột thịt.
Các thầy hiệu trưởng: Bùi Đình Trọng (1965 -1967), Nghiêm Đạt (1967 -1970), Phạm Văn Quí (1970 -1971), Hoàng Học Hải (1971 -1975) cùng các thầy, cô giáo kiên trì bám trụ trên mặt trận giáo dục. Kết quả, trường luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua “Hai tốt” của tỉnh, lá cờ đầu trong hệ thống các trường cấp II của toàn tỉnh.
Qua 3 năm học (1967-1970), nhà trường đã được trao tặng 16 lá cờ thi đua về thành tích giáo dục toàn diện (gồm Cờ thi đua của UBND tỉnh, Bằng khen của Bộ giáo dục, của huyện Gia Khánh, cờ thi đua Nguyễn Văn Trỗi của Trung ương đoàn). Đồng chí Hiệu trưởng Nghiêm Đạt được phong danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn ngành 2 năm liền; thầy Lã Quang Thạo tổng phụ trách đội của trường được mời đi dự trại hè Quốc tế ở Liên Xô; 100% giáo viên là lao động tiên tiến. Nhiều thầy, cô giáo là giáo viên dạy giỏi của tỉnh, huyện; nhiều học sinh là học sinh giỏi của tỉnh, huyện, có học sinh là học sinh giỏi miền Bắc…
Những thành tích của các thầy, cô giáo trường THCS Ninh Khánh xứng đáng với niềm tin yêu, gửi gắm của đồng bào miền Nam ruột thịt nói chung, của cán bộ, giáo viên và nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Từ kết quả đó, ngày 10 tháng 11 năm 1967, thay mặt Phái đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại miền Bắc, đồng chí Nguyễn Phú Soại, Phó trưởng Phái đoàn đã gửi thư cho trường phổ thông cấp II Ninh Bình-Bạc Liêu.
Trong bức thư có đoạn: “Chúng tôi vui mừng nhận được thơ của các đồng chí và rất phấn khởi trước những thành tích của nhà trường đã đạt được trong năm qua. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hoàn cảnh chiến tranh gây ra, nhưng các đồng chí đã đoàn kết một lòng, ra sức khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành trường tiên tiến và đã đạt được những kết quả tốt đẹp rất đáng ca ngợi.
Những thắng lợi đó của các đồng chí là thắng lợi của ý chí quyết thắng giặc Mỹ xâm lược trên mặt trận giáo dục, đồng thời là biểu hiện đẹp đẽ của tình cảm Bắc-Nam ruột thịt…
Ngoài việc giáo dục cho các em những kiến thức văn hoá, khoa học kỹ thuật, lòng yêu nước, yêu nhân dân, yêu lao động…, các đồng chí còn chú trọng bồi dưỡng cho các em tình cảm đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, đối với đồng bào quê hương kết nghĩa Bạc Liêu…
Các em chăm học, chăm làm và lúc nào cũng nghĩ đến các bạn nhỏ ở Bạc Liêu. Chắc chắn rằng, các bạn nhỏ Bạc Liêu khi biết được những việc làm của các em sẽ rất sung sướng và sẽ noi gương học tập các em…
Chúc các em trong năm học này càng cố gắng nhiều hơn, đoàn kết thương yêu giúp nhau học tập thật giỏi, lao động thật tốt, siiêng năng giúp đỡ gia đình và hợp tác xã, phấn đấu giành nhiều danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ”, góp phần xây dựng nhà trường tiên tiến. Đó cũng là công tác đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của các em…”
Hơn 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, trường THCS Ninh Khánh liên tục đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, trường tiên tiến cấp tỉnh, tập thể lao động xuất sắc, tập thể lao động tiên tiến cấp thành phố. Chi bộ Đảng liên tục đạt trong sạch, vững mạnh. Công đoàn nhà trường liên tục đạt danh hiệu vững mạnh, xuất sắc, năm 1994 được Ban Chấp hành công đoàn Việt Nam tặng Bằng khen. Liên đội luôn là một điểm sáng về hoạt động Đội của ngành giáo dục đào tạo Ninh Bình.
Trong 10 năm của thập kỷ 60, phong trào hoạt động Đội của trường Ninh Khánh rất sôi nổi, phong phú, đóng góp nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động Đội của toàn miền Bắc, là một trong những liên đội điểm của Tỉnh đoàn và Trung ương đoàn...
Trong hơn 50 năm qua đã có gần 300 cán bộ, giáo viên, 12 đồng chí hiệu trưởng đã từng công tác giảng dạy tại trường và có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục, cho quê hương, đất nước.
Các thế hệ thầy, cô Hiệu trưởng - những người chèo lái con thuyền giáo dục của nhà trường qua các thời kì mãi mãi được thế hệ sau và các em học sinh ghi nhớ. Đó là các thầy, cô: Thầy Lã Văn Diệm, thầy Nguyễn Tất Tráng, thầy Bùi Đình Trọng, thầy Nghiêm Đạt, thầy Phạm Văn Quý, thầy Hoàng Học Hải, thầy Đặng Văn Thạch, thầy Trần Tự Nhiên, thầy Phạm Tân Dân, thầy Đào Thanh Kha, cô Nguyễn Thị Liên, cô Trịnh Thị Tuất.
Hơn 50 năm qua đã có trên 5.000 học sinh tốt nghiệp từ mái trường THCS Ninh Khánh, trong đó có hàng nghìn em thành đạt, đã và đang có những đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều học sinh phấn đấu đạt học hàm, học vị cao như tiến sĩ, phó tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư. Nhiều học sinh thành đạt đảm nhiệm những vị trí quan trọng như phó giám đốc, kĩ sư, bác sĩ, cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu khoa học…
Cô giáo Trần Thị Tuất, Hiệu trưởng trường THCS Ninh Khánh cho biết: Để kỷ niệm mối tình sâu đậm, thân thiết giữa Ninh Bình và Bạc Liêu, năm 1999, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập trường (1959-1999), gần 30 các thầy, cô giáo đã từng công tác tại trường giai đoạn 1964-1975 đã thành lập chi hội Cựu giáo chức Ninh Bình – Bạc Liêu.
Từ đó, hàng năm, vào dịp 20/11, chi hội tổ chức gặp mặt truyền thống tại trường THCS Ninh Khánh. Trong các cuộc gặp mặt này, ngoài ôn lại truyền thống dạy và học trong những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, nhắc nhau nhớ lại những kỷ niệm vui buồn một thời vất vả, gian nan, chi hội Cựu giáo chức còn có những hoạt động ý nghĩa như tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, nói chuyện truyền thống về quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường, giao lưu văn hoá, văn nghệ…
Hiện, chi hội cựu giáo chức Ninh Bình – Bạc Liêu chỉ còn gần 20 hội viên, có người đã về cõi vĩnh hằng, nhiều người đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những kỷ niệm về thời kỳ kết nghĩa sâu đậm giữa tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu mãi là những kỷ niệm tươi đẹp, đáng trân trọng...
baoninhbinh.org.vn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Trực tuyến: 5
Hôm nay: 5
Hôm qua: 76