Thứ sáu, 10/05/2024
Chào mừng bạn đến với UBND Phường Bích Đào

Thành ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW

Thứ bảy, 30/01/2016 Đã xem: 16

Ngày 21/6/2012, Thành uỷ Ninh Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06 –CT/TW ngày 22/1/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 –NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

 

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Tỉnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; Trần Song Tùng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ; Phạm Thanh Hà, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Sở Y tế, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; Bí thư đảng bộ, chi bộ trực thuộc Thành uỷ; Trạm trưởng trạm y tế, Chủ tịch Hội Phụ nữ các xã, phường.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, mạng lưới y tế cơ sở của thành phố Ninh Bình được củng cố kiện toàn, đổi mới phương thức hoạt động với chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng lên. Năm 2002, thành phố có 8 trạm y tế phường, 91/97 tổ dân phố có cán bộ y tế, toàn ngành có 70 cán bộ công chức, viên chức. Đến nay, thành phố có 14 trạm y tế phường, xã; 180/180 tổ dân phố có cán bộ y tế và 112 cán bộ công chức, viên chức. 14/14 trạm y tế phường, xã và Trung tâm y tế thành phố duy trì thường xuyên công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Nhiều chương trình y tế quốc gia được triển khai nghiêm túc, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hàng năm đạt trên 99%; trẻ em dưới 5 tuổi được uống vitamin A, đạt 99,5%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 24,5% (năm 2002) xuống còn 12,48% (năm 2011); 100% phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván. Thành phố đã thanh toán được bệnh phong và 100% người dân sử dụng muối Iốt để phòng bệnh bướu cổ.. Các hoạt động tư vấn, truyền thông phòng chống HIV/AIDS, quản lý chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng được triển khai tương đối hiệu quả. Các chương trình dự án (khám sàng lọc đái tháo đường, ung thu, tăng huyết áp) được triển khai theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Từ năm 2003 đến nay, thành phố đã chi từ ngân sách địa phương trên 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế và một số loại thuốc thiết yếu theo yêu cầu chuẩn quốc gia, nhằm tăng khả năng phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh theo phân tuyến kỹ thuật. Đến năm 2009, tất cả 14 phường, xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố khoá XVII đề ra.

                             Đồng chí Trần Song Tùng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy

                                 báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 06, công tác y tế trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại: cơ sở vật chất một số trạm y tế đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị làm việc của một số trạm y tế phường, xã chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ y tế cơ sở chất lượng chưa đồng đều, thiếu bác sĩ (còn 5 trạm y tế chưa có bác sĩ); chất lượng khám và điều trị bệnh ở một số trạm y tế còn hạn chế, số người bệnh chuyển lên tuyến trên còn nhiều.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 –NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các chính sách riêng cho phụ nữ được quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ về nhiều lĩnh vực: đời sống, việc làm, trình độ, năng lực, sức khoẻ, nâng cao địa vị kinh tế và vị thế trong gia đình. Các cấp uỷ đảng đã quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ được học tập nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tham gia các lớp tập huấn đạt 63,7%. 98,5 cán bộ nữ ở thành phố có trình độ đại học, trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó có 25,9% cán bộ nữ có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 22,44% nữ là uỷ viên Ban chấp hành, 25,8% đại biểu nữ trong HĐND thành phố, 40,54% cấp trưởng và 48,64% cấp phó các phòng, ban, ngành đoàn thể của thành phố là nữ. Trong 5 năm đã có gần 22 nghìn lượt phụ nữ được truyền thông, tư vấn về SKSS/KHHGĐ và khám, chữa bệnh giới tính; 99% phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế; 100% phụ nữ mang thai được khám đủ 3 lần, do đó sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em gái được cải thiện rõ rệt. Nhiều mô hình được duy trì và phát triển, đặc biệt là mô hình CLB xây dựng gia đình hạnh phúc và CLB gia đình không có tệ nạn xã hội thu hút được đông đảo các nhóm phụ nữ tham gia. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ được tăng cường, 5 năm tổ chức dạy nghề cho 2.576 phụ nữ, giới thiệu việc làm cho 2976 người, 3.020 phụ nữ được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, Thành uỷ đã ban hành chính sách hỗ trợ phụ cấp cho chi hội trưởng phụ nữ, mỗi tháng 0,2% mức lương tối thiểu. Đội ngũ giáo viên mầm non với 100% là phụ nữ được tăng cường biên chế, tăng phụ cấp, hỗ trợ lương cho giáo viên mầm non ngoài biên chế để ổn định cuộc sống và yên tâm công tác. 


     Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố

                    báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW

 

Tuy nhiên, công tác phụ nữ trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, tỷ lệ sinh con thứ 3 còn nhiều, tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em có chiều hướng gia tăng. Trình độ dân trí, tay nghề, khả năng thích ứng với sự phát triển của xã hội ở phụ nữ còn thấp, chưa đồng đều. Tỷ lệ phụ nữ đào tạo nghề còn thấp, nguồn cán bộ nữ ở một số nơi bị hẫng hụt.        

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Ninh Bình biểu dương những kết quả mà thành phố đã đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06 ngày 22/1/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X), đồng thời chỉ rõ những tồn tại, yếu kém trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng chí yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 06 và Nghị quyết 11. Hằng năm, phải có chương trình, kế hoạch thực hiện chỉ thị, nghị quyết một cách cụ thể, kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Về công tác y tế, tiếp tục củng cố Ban chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở cở sở; thực hiện tốt các hoạt động vì sức khoẻ cộng đồng; phấn đấu đến năm 2018, tất cả các trạm y tế phường, xã đều có bác sỹ; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động y tế; xây dựng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, thầy thuốc phải như mẹ hiền, tận tâm, tận lực phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân. Về công tác phụ nữ, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng pháp luật về bình đẳng giới; bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, quan tâm đến việc phân công quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ nữ; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, phụ nữ ở những nơi có thu hồi đất; tạo điều kiện để phụ nữ nghèo được vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế; chú trọng chất lượng sinh hoạt chi hội, có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho sự phát triển phụ nữ ở địa phương. 

BBT

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
738064

Trực tuyến: 7

Hôm nay: 173

Hôm qua: 32